Những năm gần đây, mua bán hàng hoá qua kênh thương mại điện tử tại Việt Nam càng phát triển mạnh mẽ. Trên thế giới chúng ta đã từng nghe nhiều về sàn Amazon hay Ebay của Mỹ; Taobao, Pindoudou của Trung Quốc thì ở nước ta từ những năm 2018 tới nay, một loạt các kênh thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, … đã làm thay đổi khá nhiều thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt.
Trong đó, giai đoạn năm 2020 – 2021 là thời điểm phát triển bùng nổ của các sàn do nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng cao, một phần ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 khiến người tiêu dùng bị hạn chế mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Đây chính là cơ hội để các nhà bán hàng tại Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch kinh doanh trên không gian mạng.
Khi đó người mua hàng có những lựa chọn đa dạng cho sản phẩm cung cấp bởi nhà bán hàng Việt và cả nhà bán hàng quốc tế. Do đó, người mua hàng có sự so sánh thời gian và chi phí giao hàng giữa các bên, họ nhận thấy rằng giao hàng quốc tế từ Trung Quốc về Hà Nội với khoảng cách hơn 1000 km với chi phí chỉ 15.000 đồng, trong khi phí giao nhận hàng nội địa lại giao động từ 30.000 đồng trở lên.
Theo doanh nhân Mạc Hữu Toàn – CEO Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vnlogs, một trong những công ty với nhiều kinh nghiệm trong mảng Logistics quốc tế hàng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam có chia sẻ một các lý do khiến giao hàng Logistics thương mại điện tử quốc tế từ Trung Quốc về Hà Nội lại nhanh và chi phí thấp hơn giao hàng nội địa.
Hệ thống kho tập kết (Hub) hiện đại, đa điểm, thuận tiện giao thông và gần các xưởng sản xuất của nhà bán hàng
Đó là kho tại Thượng Hải, kho Tuyền Châu, kho Nghĩa Ô, kho Nam Trung Quốc (kho Thâm Quyến) và kho Hồng Kông.
Về hệ thống Logistics của Trung sẽ tập kết hàng hoá tại các hub theo từng chặng hàng ngày. Hàng hoá sẽ được gom với tốc độ rất nhanh, với số lượng lớn.
Mỗi đơn hàng đều có các mã QR code, người giao hàng sẽ dán nhãn hàng hoá cho mỗi đơn hàng, sau đó giao cho nhân viên giao hàng. Nhân viên giao nhận tiếp tục đóng gói lại và dán thêm nhãn Logistics quốc tế, hàng hóa đó sẽ được gửi đến kho tập kết chính thức của Sàn – kho vận chính thức sẽ quét mã và đưa gói hàng vào kho.
Hệ thống đường cao tốc hoàn thiện
Đường cao tốc bên Trung Quốc khá hoàn thiện, đẹp, cho phép tốc độ cao trung bình hơn 100 km/giờ.
Hiện Logistics thương mại điện tử quốc tế từ Trung Quốc về Việt Nam đang đi qua 3 cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Cao Bằng ; Hữu Nghị, Lạng Sơn; và Móng Cái, Quảng Ninh. Vận chuyển từ Cửa khẩu về Hà Nội : Đường cao tốc từ Móng Cái – Hà Nội hay từ Lạng Sơn về Hà Nội đã hoàn thiện, đường rất đẹp, không thua kém nước ngoài.
Công nghệ hiện đại và sự thông thoáng trong thủ tục hải quan Trung Quốc và Việt Nam
Thủ tục Hải quan thương mại điện tử xuất khẩu tại Trung Quốc đang khuyến khích nên rất dễ, luôn được ưu tiên. Công ty Logistics sử dụng hệ thống phần mềm, mã QR để làm danh sách hàng với đầy đủ thông tin, tự động đưa dữ liệu lên hệ thống phần mềm Hải quan rất nhanh. Số lượng mục hàng cho mỗi lô hàng của họ có thể lên tới 5.000 – 10.000 mục hàng.
Tương tự như Trung Quốc, ở Việt Nam các công ty Logistics lớn đang cung ứng dịch vụ cho mảng này cũng có hệ thống phần mềm đưa dữ liệu thông tin lô hàng và quá trình làm thủ tục cũng được ưu tiên. Mảng công nghệ và sự thông thoáng trong thủ tục hải quan VN không hề thua kém các nước khác.
Khoảng thời gian này có thể làm cùng lúc thời gian xe đang vận chuyển. Dữ liệu được được bên Trung gửi ngay khi hàng được đóng xong . Do đó các công ty Logistics có thể khai báo bản nháp tờ khai Hải quan lên trước, khi xe gần sang tới cửa khẩu tại Việt Nam là có thể truyền tờ khai và thông quan lô hàng luôn.
Số lượng hàng đi thương mại điện tử quốc tế rất lớn
Nhu cầu mua hàng quốc tế của người tiêu dùng nước ta rất cao và trong đó các sản phẩm của nhà bán hàng Trung Quốc rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng. Do đó, lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc cũng khá đáng kể.
Hàng hoá được giao từ nhiều khu vực trong toàn Trung Quốc về để tập kết tại các Hub nhỏ, sau đó chuyển tới Hub chính liên tục trong ngày. Do đó ngày nào cũng có vài xe chuyển hàng theo hình thức này. Việc chia làm nhiều Hub để quản lý giúp gom hàng thuận tiện , tốc độ làm nhanh hơn và chi phí (nhân sự, kho xưởng, bốc xếp và quản lý) tối ưu hơn. Giống như các bạn kinh doanh cửa hàng tạp hoá, nếu bạn mở 1 cửa hàng thì bạn lỗ, nhưng bạn mở 100 cửa hàng thì bạn sẽ lãi. Các điểm tập kết hàng lớn nhỏ ở Trung Quốc có thể lên tới vài trăm, hoặc có thể tới hàng ngàn điểm.
Phương tiện vận chuyển tối ưu hơn
Xe vận tải bên Trung Quốc có thể chứa được nhiều hàng hơn xe Việt Nam. Họ có rơ mooc dài 17,5m với sức chứa 140 khối hoặc rơ mooc dài dài 20m với 180 – 200 khối. Khi vận chuyển hàng này sang VN thì phải sang 2 hoặc 3 xe mới chứa hết.
Do đó tổng chi phí Logistics chia cho số lượng hàng lớn thì chi phí cho mỗi đơn sẽ thấp hơn. Thực tế , có mổ số công ty có vốn đầu tư ở Việt Nam cũng đang cung cấp dịch vụ tương tự nhưng số lượng hàng nhỏ hơn nên chi phí sẽ cao hơn.
Chính sách hoàn thuế tại Trung Quốc và chính sách miễn thuế cho hàng thương mại điện tử tại Việt Nam
Tại Trung Quốc, các đơn vị bán hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài sẽ được hoàn thuế VAT tại địa phương theo từng lô hàng mà không yêu cầu đạt mức số tiền hoàn thuế tối thiểu.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng có chính sách miễn thuế đối với các đơn hàng có trị giá dưới 1.000.000 đồng. Vì vậy các đơn hàng có giá trị thấp sẽ được các nhà bán hàng quốc tế ưu tiên đẩy mạnh để được miễn thuế nhập khẩu nhằm cạnh tranh giá với các nhà bán hàng trong nước.
Chính sách trợ giá từ Sàn thương mại điện tử dành cho các nhà bán hàng quốc tế
Một số sàn có chính sách miễn phí giao hàng (Free ship) như Shopee hay Tiktok, mỗi đơn đều được trợ giá khá nhiều. Thời điểm này bán hàng quốc tế, các sàn cũng đang có chính sách trợ giá tương tự để kích thích nhu cầu bán hàng của các chủ cửa hàng trực tuyến.
Nhìn nhận thương mại điện tử Việt Nam còn mới, và có một số các yếu tố khách quan khiến cho việc giao nhận hàng chưa linh hoạt so với quốc tế.
Số lượng đơn hàng cho mỗi khu vực nhỏ lẻ, chưa tập trung
Khác với hàng giao từ Trung Quốc, thương mại điện tử tại Việt Nam, đơn hàng được đặt trên sàn từ người tiêu dùng ở khắp các tỉnh thành trong nước với số lượng hàng giao nhỏ hơn, do đó, việc tập kết hàng sẽ khó khăn hơn và xe vận tải bị chia lẻ khiến mức chi phí tăng cao.
Đường xá giao thông đang trong giai đoạn nâng cấp và hoàn thiện
Hệ thống giao thông đường cao tốc Bắc Nam, và một số các cao tốc liên tỉnh đang trong quá trình xây dựng và nâng cấp. Do đó thời gian giao nhận hàng sắp tới sẽ được cải thiện.
Hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng Robot còn hạn chế
Về kỹ thuật công nghệ thông tin của Việt Nam cũng có khá nhiều chuyên gia, nhưng trong mảng về Logistics ứng dụng cho thương mại điện tử thì chúng ta chưa có nhiều cơ hội để học hỏi và áp dụng. Trong khi ở Trung Quốc, họ đã có một khoảng thời gian phát triển mảng này trước đó khá lâu với sàn Taobao, Tmall, 1688, Aliexpress, JD, Pindoudou,…
Thương mại điện tử tại Việt Nam bắt đầu hình thành trong khoảng gần một thập kỷ gần đây, chúng ta còn mới và có nhiều cơ hội để phát triển, nâng cao kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành chuỗi cung ứng
Chúng ta cũng đã học hỏi và tạo ra những dấu ấn riêng. Trong tương lai gần, hi vọng ngành thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ ngành càng khởi sắc.
- Lưu ý khi làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá - Tháng Năm 24, 2024
- Chứng từ nhập khẩu đường Biển - Tháng Năm 24, 2024
- 5 lí do nên nhập hàng chính ngạch - Tháng Năm 24, 2024