CẨM NANG NGHIỆP VỤ HẢI QUAN CẦN BIẾT 2019

Tháng Mười 15 2019
Thực phẩm chức năng dạng lỏng thuốc nhóm 22.02

1. Câu hỏi 1: Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài Chính cho phép DN có thể khai báo hàng ở một nơi và nhận hàng tại các cửa khẩu khác trên toàn quốc. Doanh nghiệp đã thực hiện khai báo tại TP.HCM cho các lô hàng tại cửa khẩu cảng Hải Phòng. Trường hợp hệ thống của hải quan phân luồng đỏ (kiểm hóa), chúng tôi xin công văn nhờ hải quan Hải Phòng kiểm hộ. Tuy nhiên, Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định việc kiểm hóa hộ chỉ áp dụng cho hàng xá, hàng rời, hàng NK gia công, SXXK. Trường hợp này, Doanh nghiệp phải nên làm gì để khai báo tại Hải quan TP.HCM?

Trả lời:

Khoản 9 Điều 29 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan: Việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời và hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất.

Trường hợp vướng mắc về việc kiểm hộ, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn báo cáo Tổng cục Hải quan nhưng chưa có văn bản trả lời. Đề nghị Doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

2. Câu hỏi 2: Công ty mẹ ở Nhật Bản giao laptop cho nhân viên người Việt sử dụng. Các nhân viên người Việt về lại Việt Nam không khai báo và không đóng thuế cho các laptop này. Công ty mẹ xuất hóa đơn thu tiền số laptop này cho công ty con ở Việt Nam. Tuy nhiên công ty con ở Việt Nam không có các chứng từ chứng minh việc nhập khẩu cho số laptop này. Đề nghị Cục HQ TP.HCM hướng dẫn làm thủ tục nhập khẩu cho số laptop đang sử dụng này.

Trả lời:

Về chính sách mặt hàng: Căn cứ Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BTTTT ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mặt hàng có mã HS 8471.30.20 “Máy tính xách tay, kể cả notebook, subnotebook, tablet PC” đã qua sử dụng thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Trường hợp máy tính xách tay đã qua sử dụng là hành lý xách tay của cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam thì được nhập miễn thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp cá nhân đem hàng hóa về hộ công ty thì phải thực hiện khai báo và kèm các chứng từ, hồ sơ, tài liệu liên quan để làm thủ tục theo quy định khi nhập cảnh. Đề nghị DN liên hệ trực tiếp cơ quan Hải quan để kiểm tra lại thông tin, các chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa và có hướng dẫn cụ thể.

3. Câu hỏi 3: Ở Nhật có thể kiểm tra hàng hóa trước khi đến hoặc trước khi khai báo hải quan, doanh nghiệp sẽ nộp chứng từ và có thể tiến hành khai hải quan sớm. Ở Việt Nam có hệ thống tương tự như vậy không?

Trả lời:

Theo Điều 26 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Điều 19 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC:

Hiện nay, việc tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan được quy định như sau: Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Tờ khai sẽ được phân luồng dựa trên cơ sở quản lý rủi ro, gồm có 03 luồng: luồng 1, luồng 2 và luồng 3.

  • Luồng 1: chấp nhận thông tin khai báo ngay sau khi Hệ thống xử lý.
  • Luồng 2: kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
  • Luồng 3: Kiểm tra kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

4. Câu hỏi 4: Công ty chúng tôi là DNCX thực hiện gia công cho thương nhân nước ngoài. Công ty chúng tôi có nhập từ nước ngoài một số nguyên phụ liệu để gia công và xuất hàng hóa ra nước ngoài nhưng có một số nguyên liệu chúng tôi không thể xác định được định mức chính xác cho nên khi báo cáo quyết toán – thanh khoản luôn có chênh lệch giữa số liệu báo cáo và thực tế dẫn đến chúng tôi bị đóng thuế và bị phạt vi phạm hành chính. Xin cơ quan hải quan hướng dẫn cho chúng tôi trường hợp này.

Trả lời:

Căn cứ Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, quy định định mức thực tế sản xuất hàng hóa gia công, hàng hóa sản xuất xuất khẩu thì:

  • Doanh nghiệp phải xác định được định mức thực tế trước khi thực hiện sản xuất. Định mức thực tế là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đã sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu và được xác định theo quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
  • Trong quá trình sản xuất nếu có thay đổi thì DN xây dựng lại định mức và chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này.

Riêng đối với những sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (Ví dụ: gia công, sản xuất xuất khẩu tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thứ 3 mới phải nộp định mức thực tế).

  • Vật tư không xây dựng được định mức theo sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải lưu trữ các chứng từ liên quan đến việc sử dụng vật tư và thể hiện trong báo cáo quyết toán về tình hình xuất – nhập – tồn kho của vật tư này.
  • Tổ chức, cá nhân và cơ quan hải quan sử dụng định mức thực tế sản xuất để xác định số thuế khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa sản phẩm, hoàn thuế, không thu thuế hoặc là cơ sở để cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.

5. Câu hỏi 5: Công ty chúng tôi là công ty EPE chuyên sản xuất các sản phẩm kim loại. Hiện nay, công ty chúng tôi muốn mở rộng ngành nghề để phục vụ nhu cầu khách hàng và hạng mục này là cung cấp dịch vụ: bảo trì bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, hỗ trợ vận hành… cho khách hàng trong nước. Vậy công ty chúng tôi phải làm thế nào? Có phải phân chia khu vực trong công ty hay không? Việc nộp thuế thế nào?

Trả lời:

Hoạt động dịch vụ theo trình bày của công ty không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan hải quan. Đề nghị Doanh nghiệp liên hệ Ban quản lý KCX & KCN để được hướng dẫn.

Mạc Hữu Toàn
Latest posts by Mạc Hữu Toàn (see all)

Để lại comment của bạn ở đây!

Call Now Button